Thuế nhập khẩu là gì? Thuế nhập khẩu tính như thế nào?
Thuế nhập khẩu là một trong những loại thuế quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt với các doanh nghiệp và cá nhân tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa. Bài viết này Lê Phương Logistics sẽ giúp bạn hiểu rõ thuế nhập khẩu là gì, cách tính thuế nhập khẩu, khả năng khấu trừ, tình hình thuế nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, cách đóng thuế nhập khẩu online, và nhiều thông tin hữu ích khác.
1. Thuế nhập khẩu là gì?

Thuế nhập khẩu tiếng anh là tariff or import levy, đây là loại thuế mà nhà nước áp dụng đối với các mặt hàng được nhập khẩu từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là một công cụ tài chính quan trọng giúp điều tiết hoạt động thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Thuế nhập khẩu được thu dựa trên giá trị hàng hóa, loại hàng hóa, và nguồn gốc xuất xứ.
1.1. Mục đích của thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu được truy thu nhằm mục đích chính là tăng thu cho ngân sách nhà nước, bên cạnh đó, thuế nhập khẩu còn được thu bởi các mục đích sau:
Bảo vệ sản xuất trong nước: Hạn chế sự cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ.
Điều tiết thị trường: Kiểm soát lượng hàng hóa nhập khẩu, tránh lạm phát hoặc thiếu hụt.
Thực hiện cam kết quốc tế: Tuân thủ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
1.2. Đối tượng nộp thuế nhập khẩu
Theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, các đối tượng nộp thuế nhập khẩu được xác định dựa trên hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa, bao gồm:
Doanh nghiệp/ tổ chức, cá nhân là chủ hàng hoá nhập khẩu. Ví dụ công ty nhập khẩu linh kiện điện tử từ Trung Quốc để sản xuất hoặc kinh doanh.
Doanh nghiệp, cá nhân nhận uỷ thác nhập khẩu hàng hoá. Theo đó, đơn vị được ủy thác phải nộp thuế nhập khẩu thay cho chủ hàng và có thể thu lại từ chủ hàng theo thỏa thuận.
Cá nhân có hàng hoá nhập khẩu khi nhập cảnh hoặc nhận hàng ở biên giới Việt Nam.
Đại lý làm thủ tục hải quan được uỷ quyền nộp thuế.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng nộp thay thuế theo quy định.
2. Thuế nhập khẩu tính như thế nào?

Theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 của Việt Nam, thuế nhập khẩu có thể được áp dụng dưới dạng thuế suất phần trăm, thuế tuyệt đối, hoặc thuế hỗn hợp, tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể. Ví dụ, các mặt hàng xa xỉ như ô tô, rượu bia thường chịu thuế suất cao, trong khi các nguyên liệu sản xuất trong nước thiếu hụt có thể được hưởng thuế suất thấp hoặc miễn thuế.
2.1. Thuế nhập khẩu tính theo thuế suất phần trăm
Đây là phương pháp tính thuế nhập khẩu phổ biến nhất ở Việt Nam, áp dụng cho hầu hết các loại hàng hóa từ quần áo, điện tử đến nguyên liệu sản xuất. Phương pháp này áp dụng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tính thuế của hàng hóa nhập khẩu để xác định số tiền thuế cần phải nộp. Theo đó, thuế nhập khẩu sẽ được tính theo công thức sau:
Thuế nhập khẩu = Giá trị tính thuế x Thuế suất nhập khẩu
Trong đó:
Giá trị tính thuế: Thường là giá CIF (Cost, Insurance, Freight), bao gồm giá trị hàng hóa, chi phí bảo hiểm, và chi phí vận chuyển. Giá CIF được quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá hải quan tại thời điểm khai báo.
Thuế suất nhập khẩu: Được quy định trong Biểu thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thuế suất có thể là một trong các loại thuế sau:
Thuế suất ưu đãi: Áp dụng cho hàng hóa từ các nước, khu vực, vùng lãnh thổ có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Đây là mức thuế được áp dụng nhằm khuyến khích thương mại quốc tế, giảm chi phí nhập khẩu và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thuế suất ưu đãi thường thấp hơn khoảng 1,5-2 lần so với thuế suất thông thường. Để có được mức thuế suất ưu đãi, đòi hỏi doanh nghiệp, cá nhân phải xuất trình được C/O form E để chứng minh xuất xứ hàng hóa.
Thuế suất ưu đãi đặc biệt: Thuế suất ưu đãi đặc biệt là mức thuế suất nhập khẩu thấp nhất, thường bằng 0% hoặc rất thấp, được áp dụng cho các quốc gia, lãnh thổ có ký kết hiệp định FTA hoặc thỏa thuận thương mại đặc biệt với Việt Nam. Để được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt yêu cầu phải có C/O đúng mẫu và đáp ứng các quy tắc về xuất xứ hàng hóa nghiêm ngặt. Đây là một hình thức ưu đãi thuế quan đặc biệt, nhằm thúc đẩy thương mại song phương, tăng cường hợp tác kinh tế, và hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu giảm chi phí.
Thuế suất thông thường: Áp dụng cho các nước không có hiệp định thương mại, thường cao hơn thuế suất ưu đãi. Mức thuế thường cao từ 15-20% đối với quần áo, 50-70% đối với ô tô.
Ví dụ minh họa: Giả sử doanh nghiệp A nhập khẩu một lô hàng từ Trung Quốc với giá CIF là 50.000 NDT, thuế suất nhập khẩu là 10%, tỷ giá hải quan là 3.700 VND/NDT. Cách tính như sau:
Giá trị tính thuế (quy đổi VND): 50.000 NDT x 3.700 VND/NDT = 185.000.000 VNĐ.
Thuế nhập khẩu: 185.000.000 VNĐ x 10% = 18.500.000 VNĐ.
Ngoài ra, lô hàng này có thể phải chịu thêm thuế VAT (thường 10% hoặc 5% tùy mặt hàng) và các loại thuế khác nếu thuộc danh mục hàng hóa đặc biệt.
2.2. Thuế nhập khẩu tính theo thuế tuyệt đối
Thuế suất tuyệt đối (cố định) là mức thuế nhập khẩu được ấn định một số tiền cụ thể cho mỗi đơn vị hàng hóa nhập khẩu (theo kg, theo lít, theo chiếc…) mà không phụ thuộc vào giá trị hàng hóa. Theo đó, mức thuế nhập khẩu sẽ được tính theo thuế suất cố định trên mỗi đơn vị hàng hóa thay vì dựa trên tỷ lệ phần trăm của giá trị hàng hóa như phương pháp 1.
Thuế nhập khẩu tính theo phương pháp này thường được áp dụng cho một số mặt hàng đặc thù, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị biến động lớn hoặc cần kiểm soát chặt chẽ như xăng dầu, rượu bia, thuốc lá hoặc một số sản phẩm nông nghiệp. Với phương pháp này thuế nhập khẩu sẽ có tính ổn định và dễ tính toán, giúp doanh nghiệp dự đoán chính xác được chi phí thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu tuyệt đối sẽ được tính theo công thức sau:
Thuế nhập khẩu = Số lượng hàng hóa x Mức thuế tuyệt đối
2.3. Thuế nhập khẩu tính theo thuế hỗn hợp
Thuế nhập khẩu tính theo thuế hỗn hợp là phương pháp kết hợp giữa thuế suất phần trăm và thuế tuyệt đối để tính thuế nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Thuế hỗn hợp thường được áp dụng cho một số mặt hàng đặc thù nhằm kiểm soát chặt chẽ giá trị và số lượng nhập khẩu, đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước. Thuế nhập khẩu hỗn hợp được tính theo công thức sau:
Thuế nhập khẩu = (Giá trị tính thuế × Thuế suất phần trăm) + (Số lượng hàng hóa × Mức thuế suất cố định)
Vì được tính theo phương pháp hỗn hợp bao gồm cả thuế phần trăm và thuế tuyệt đối nên tổng thuế hỗn hợp sẽ cao hơn so với các mặt hàng được tính thuế theo phương pháp 1 và 2.
Có thể bạn quan tâm: Thuế hải quan là gì, cách tính thuế hải quan
3. Thuế nhập khẩu Trung Quốc vào Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2024 đạt 144,7 tỷ USD, tăng trưởng đều qua các năm. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc của nước ta đạt 69,34 tỷ USD, tăng 13,89 tỷ USD tương ứng với 25% so với cùng kỳ năm 2024. Theo đó, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc - đặc biệt là nhập khẩu chính ngạch, bạn đã biết thuế nhập khẩu vào Việt Nam các mặt hàng từ Trung Quốc bao gồm những loại thuế nào chưa? Cùng theo dõi tiếp nội dung sau đây của Lê Phương Logistics để nắm được nhé!
Thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam được quy định dựa trên Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), giúp giảm thuế suất cho nhiều mặt hàng. Dưới đây là một số loại thuế chính khi nhập khẩu hàng từ Trung Quốc:
3.1. Thuế nhập khẩu
Thuế nhập khẩu là khoản thuế bắt buộc áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thường được tính dựa trên giá trị tính thuế (thường là giá CIF) và thuế suất theo mã HS của sản phẩm.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến thuế suất bao gồm:
Loại hàng hóa: Mỗi mặt hàng sẽ có một mã HS riêng biệt, quyết định mức thuế suất (quần áo: 7-20%, hàng điện tử 0-10%)
Xuất xứ hàng hóa: Hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt (thường là 0%) hoặc thuế suất ưu đãi (5-10%) nếu có giấy chứng nhận xuất xứ C/O form E. Trường hợp không có C/O, hàng hóa sẽ áp dụng thuế suất thông thường (15-20% hoặc cao hơn).
Mục đích nhập khẩu: Hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng, hay phi mậu dịch (quà tặng, viện trợ) có thể chịu các mức thuế là khác nhau.
3.2. Thuế giá trị gia tăng VAT
Thuế VAT là loại thuế gián thu, đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, được tính theo công thức sau: Thuế VAT = (Giá trị CIF + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất VAT
Thuế suất VAT thường phổ biến ở mức 8% hoặc 10% tùy theo chính sách giảm thuế.
Thuế VAT nhập khẩu có thể được khấu trừ nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ và có các hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
3.3. Một số loại thuế khác
Ngoài thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam doanh nghiệp có thể phải nộp thêm 1 số loại thuế sau, tùy thuộc vào mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu:
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế được áp dụng cho các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, ô tô dưới 24 chỗ hoặc điều hòa. Với các mặt hàng này, mức thuế suất phải chịu có thể từ 7-75%. Hơn nữa, loại thuế này sẽ được tính trước thuế VAT để làm tăng giá trị tính thuế VAT nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng này. Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo công thức sau: Thuế TTĐB = (Giá trị CIF + Thuế nhập khẩu) x Thuế suất TTĐB.
Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) áp dụng cho các sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như xăng dầu, than, túi nilon, hóa chất diệt cỏ. Thuế này được tính theo công thức sau: Thuế BVMT = Số lượng hàng hóa x Mức thuế BVMT/đơn vị tính.
Phí và lệ phí hải quan: Là các khoản phí hành chính liên quan đến thủ tục thông quan như phí khai báo hải quan, phí kiểm tra hàng hóa. Mức phí thường từ 20.000-200.000 đồng/tờ khai, tùy theo dịch vụ và quy mô của lô hàng.
⇒ Tổng thuế phải nộp = Thuế nhập khẩu + Thuế VAT + Thuế TTĐB (nếu có) + Thuế BVMT (nếu có) + Phí và lệ phí hải quan (nếu có).
4. Đóng thuế nhập khẩu online

Trong thời đại công nghệ số, việc đóng thuế nhập khẩu online đã trở nên phổ biến và tiện lợi hơn bao giờ hết. Hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) và Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) cho phép doanh nghiệp nộp thuế trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí.
4.1. Quy trình đóng thuế nhập khẩu online
Quy trình đóng thuế nhập khẩu online gồm 4 bước như sau:
Khai báo hải quan: Doanh nghiệp đăng nhập vào hệ thống VNACCS/VCIS để khai báo thông tin hàng hóa, bao gồm giá trị, thuế suất, và mã HS.
Nhận thông báo thuế: Hệ thống sẽ tự động tính toán số tiền thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (VAT, tiêu thụ đặc biệt nếu có).
Nộp thuế qua ngân hàng: Doanh nghiệp chuyển khoản số tiền thuế qua các ngân hàng liên kết với Tổng cục Hải quan, như Vietcombank, BIDV, hoặc Agribank.
Xác nhận nộp thuế: Sau khi nộp thuế, hệ thống sẽ gửi thông báo xác nhận, cho phép thông quan hàng hóa.
4.2. Lợi ích của nộp thuế nhập khẩu online
Dưới đây là 1 số lợi ích cơ bản khi cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức nộp thuế nhập khẩu online:
Nhanh chóng, tiện lợi: Không cần đến trực tiếp cơ quan hải quan.
Minh bạch: Giảm thiểu sai sót trong tính toán và nộp thuế.
Theo dõi dễ dàng: Doanh nghiệp có thể kiểm tra lịch sử nộp thuế mọi lúc.
5. Một số lưu ý khi nộp thuế nhập khẩu
Để tránh rủi ro và tối ưu hóa chi phí, doanh nghiệp cần lưu ý:
Khai báo chính xác: Sai sót trong mã HS hoặc giá trị hàng hóa có thể dẫn đến phạt hành chính hoặc truy thu thuế.
Tận dụng ưu đãi thuế: Sử dụng C/O để được hưởng thuế suất thấp hơn.
Cập nhật quy định mới: Các hiệp định FTA thường xuyên được điều chỉnh, ảnh hưởng đến thuế suất.
Hợp tác với đại lý hải quan: Nếu không có kinh nghiệm, doanh nghiệp nên thuê dịch vụ logistics để xử lý thủ tục.
Câu hỏi “Thuế nhập khẩu có được khấu trừ không?” thường được các doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là những đơn vị sử dụng hóa đơn VAT để khấu trừ thuế. Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu không được khấu trừ trực tiếp. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu là chi phí đầu vào, do đó doanh nghiệp có thể đưa thuế nhập khẩu vào chi phí sản xuất, kinh doanh để tính toán giá thành sản phẩm
Xem thêm:
Nên nhập hàng gì từ Trung Quốc không sợ bán ế?
Các website mua hàng online từ Trung Quốc
6. Kết Luận
Thuế nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam, từ việc bảo vệ sản xuất trong nước đến đóng góp ngân sách. Hiểu rõ thuế nhập khẩu là gì, cách tính thuế, khả năng khấu trừ, cũng như các quy định liên quan đến hàng hóa từ Trung Quốc và cách nộp thuế online sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và tuân thủ pháp luật. Nếu bạn đang kinh doanh xuất nhập khẩu, hãy đảm bảo nắm vững các quy định này để hoạt động hiệu quả hơn!
Hy vọng qua bài viết Lê Phương Logistics - đã cung cấp đầy đủ thông tin về thuế nhập khẩu. Nếu bạn cần thêm chi tiết hoặc hỗ trợ về thủ tục hải quan, đừng ngần ngại liên hệ với Lê Phương Logistics hoặc cơ quan hải quan gần nhất!